Tháng 9 chứng kiến kỳ báo cáo bùng nổ nhất từ đầu năm của thị trường xe Việt. Theo số liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cung cấp, khách Việt đã mua tổng cộng 36.585 ôtô các loại riêng trong tháng 9, là mức cao nhất từ đầu năm.
Phần lớn ôtô tại Việt Nam đã tăng trưởng doanh số trong tháng đầu áp dụng ưu đãi phí trước bạ cho xe lắp ráp, và nhóm xe cỡ A cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên thay vì phấn khởi, các đại diện giá rẻ này dường như đang cần phải lo lắng nhiều hơn.
Bán tốt hơn, nhưng doanh số không cao
Trong tháng 9, nhóm xe gầm thấp cỡ A có 2 mẫu xe tăng doanh số, chỉ duy nhất Toyota Wigo bán kém hơn tháng liền trước. Hyundai Grand i10 vẫn bán chạy nhất với 561 xe đến tay khách hàng. Toyota Wigo giảm doanh số vẫn bán được 183 xe, xếp trên Kia Morning với 62 xe bàn giao cho khách Việt.
Ở nhóm xe gầm cao, Kia Sonet tăng trưởng hơn gấp rưỡi để đạt doanh số 742 xe. Hyundai Venue tăng tốc với 482 xe đến tay khách Việt, còn Toyota Raize cũng tăng nhẹ doanh số lên mức 312 xe.
Sau 9 tháng, nhóm xe cỡ A dẫn đầu bởi Kia Sonet và Hyundai Grand i10, doanh số lần lượt 5.083 xe và 3.292 xe. Toyota Raize và Hyundai Venue tích lũy được lần lượt 2.968 xe và 2.584 xe từ đầu năm, còn doanh số của Toyota Wigo đạt 1.900 xe trong cùng kỳ.
Kia Morning trở thành cái tên bán chậm nhất phân khúc. Mẫu xe cỡ A của thương hiệu Hàn Quốc sở hữu doanh số 551 xe từ đầu năm, tương đương sức bán trung bình hơn 61 xe/tháng.
Số liệu bán hàng cho thấy tháng 9 dường như là “màu hồng” dành cho phần lớn đại diện trong phân khúc xe cỡ A, nhưng khi xem xét kỹ vị thế quá khứ và thành tích hiện tại của nhóm xe này ở Việt Nam, người ta có lý do để tin rằng phân khúc xe cỡ nhỏ giá rẻ đang có dấu hiệu thoái trào.
Sức ép từ các phân khúc lân cận
Năm ngoái, nhóm xe gầm thấp cỡ A có duy nhất Hyundai Grand i10 sở hữu doanh số tương đối ổn với 7.944 xe. Nhóm SUV cỡ A đóng góp Kia Sonet vào danh sách 10 xe bán chạy nhất nhờ lượng tiêu thụ 11.366 xe.
Ở thời điểm ấy, không ít ý kiến cho rằng ưu điểm gầm cao, công nghệ là lý do khiến SUV cỡ A như Kia Sonet trở thành đối thủ lớn nhất của Hyundai Grand i10, Toyota Wigo và Kia Morning.
Cần nhớ hồi năm 2021, VinFast Fadil - một mẫu xe cỡ A đã ngừng bán - từng dẫn đầu doanh số toàn thị trường Việt Nam với hơn 24.000 xe. Cũng vào năm này, Hyundai Grand i10 đứng thứ 9 trong top bán chạy, doanh số đạt 11.732 xe.
Năm ngoái, Kia Sonet cũng liên tiếp là xe bán chạy nhất của thương hiệu ôtô Hàn Quốc trước khi kết thúc năm với vị trí dẫn đầu doanh số Kia tại Việt Nam, tạo ra khoảng cách hơn 1.700 xe với “đàn anh” Kia Seltos.
Sang năm 2024, Kia Sonet vẫn tạm thời là xe bán chạy nhất của Kia nhưng đã rơi khỏi top 10 doanh số, còn Kia Carnival, Kia Seltos cũng tiến đến gần bên. Sau 9 tháng, doanh số Kia Sonet đạt 5.083 xe, còn Kia Carnival và Kia Seltos bán được 4.276 xe và 4.253 xe cho khách Việt.
Tương tự là trường hợp của Hyundai Grand i10. Mẫu xe cỡ A từng kết thúc năm 2023 với doanh số gần 8.000 xe nhưng sau 3 quý đầu năm nay, doanh số tích lũy của Hyundai Grand i10 đạt 3.292 xe, tức chưa bằng một nửa thành tích bán hàng cả năm ngoái.
Sự sa sút của các xe cỡ A tại Việt Nam là không ngoài xu hướng giảm chung của toàn thị trường. Tuy nhiên, thị phần ngày càng thu hẹp của các xe cỡ nhỏ giá rẻ được đánh giá chịu ảnh hưởng đáng kể từ các phân khúc lân cận, như sedan cỡ B, SUV đô thị hay nhóm MPV cỡ nhỏ.
Mitsubishi Xpander đang là cái tên bán tốt nhất với 12.956 xe sau 9 tháng, còn nguyên cơ hội bảo vệ ngôi vương doanh số. Các tân binh trong phân khúc SUV đô thị như Mitsubishi Xforce hay Toyota Yaris Cross thường xuyên góp mặt trong top bán chạy, chưa kể sự hiện diện của 3 mẫu sedan cỡ B gồm Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City.
Các xe này có giá bán không quá cao, nhưng nổi trội về không gian sử dụng, công nghệ trang bị. Những đặc điểm này từng giúp SUV cỡ A chiến thắng xe gầm thấp cùng cỡ, nhưng nay những Kia Sonet, Toyota Raize hay Hyundai Venue cũng đã bắt đầu trải nghiệm cảm giác “khó thở” tương tự.
Bên cạnh đó, nhóm xe điện cỡ nhỏ gồm VF 3, VF 5 Plus cũng được xem là những cái tên đang nhăm nhe “giành giật” thị phần của xe cỡ A.
Không gian sử dụng và phạm vi hoạt động chưa tối ưu hay những bất cập liên quan đến sạc xe thường được nhắc đến, nhưng lợi thế của nhóm xe điện mini này là không thể phủ nhận, nằm ở kích thước nhỏ gọn, dễ dàng luồn lách trong các khu vực đô thị hay chi phí sử dụng tiết kiệm đáng kể so với xe xăng.
VinFast không công khai doanh số từng mẫu xe nhưng nguồn tin của Tri thức – Znews cho biết trong tháng 8, VF 5 Plus ghi nhận doanh số 2.200 xe. Trước đó vào tháng 7, mẫu SUV điện cỡ A bán được gần 2.600 xe cho khách Việt.
VinFast cũng nhận được gần 28.000 đơn đặt cọc không hoàn hủy, không chuyển nhượng dành cho mẫu mini SUV chạy điện VF 3 trong 3 ngày đầu mở bán với giá ưu đãi. Những mẫu VF 3 đầu tiên bàn giao đến tay khách Việt từ đầu tháng 8. VinFast cũng đặt mục tiêu giao tối thiểu 20.000 xe VF 3 trong năm nay.
Nếu VinFast có thể hoàn thành mục tiêu kể trên, chỉ riêng VF 3 sẽ sở hữu doanh số 20.000 xe trong năm 2024, cao hơn thành tích bán hàng năm ngoái của “vua doanh số” Mitsubishi Xpander và gần như chắc chắn bỏ xa những gì mà 6 đối thủ thuần xăng trong nhóm xe cỡ A sở hữu.
Từ vị thế phải cạnh tranh nhau, giờ đây các xe gầm thấp cỡ A và SUV cỡ A dường như sẽ phải lo lắng về sự trỗi dậy của nhóm xe điện mini tại Việt Nam.